ỦY BAN DÂN TỘC VÀ
TỔNG CỤC THỐNG KÊ
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
|
Hà Nội, ngày 03 tháng 7 năm 2020
|
|
THÔNG CÁO BÁO CHÍ
KẾT QUẢ ĐIỀU TRA THU THẬP THÔNG TIN VỀ THỰC TRẠNG
KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA 53 DÂN TỘC THIỂU SỐ NĂM 2019
Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số (viết gọn là Điều tra 53 DTTS) thời điểm ngày 01/10/2019 được thực hiện theo Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 05/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số và Quyết định số 593/QĐ-TCTK ngày 30/7/2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về việc ban hành Phương án Điều tra 53 DTTS năm 2019. Đây là cuộc Điều tra lần thứ hai[1] do Tổng cục Thống kê phối hợp với Ủy ban Dân tộc thực hiện. Một số kết quả chính của Điều tra 53 DTTS năm 2019 như sau:
1. Các đặc điểm kinh tế - xã hội của vùng dân tộc thiểu số
Trên phạm vi cả nước, có 5.468 xã vùng DTTS và miền núi (viết gọn là xã vùng DTTS), chiếm 49,0% tổng số xã của toàn quốc. Các xã vùng DTTS phân bố chủ yếu ở khu vực nông thôn (87,3%), thuộc phạm vi quản lý của 503/713 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh tại 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Năm 2019, 98,6% số thôn thuộc các xã vùng DTTS đã được tiếp cận điện. Trong đó, tỷ lệ thôn được sử dụng điện lưới quốc gia chiếm tới 97,2%, tăng 4,2 điểm phần trăm so với năm 2015.
Khoảng cách trung bình từ trung tâm xã vùng DTTS đến trung tâm huyện là 16,7km. Phần lớn các đường giao thông từ trung tâm xã vùng DTTS đến trung tâm huyện đã được cứng hóa với tỷ lệ ki-lô-mét được cứng hóa (trải nhựa hoặc bê tông) đạt 95,2%. Gần 90% các thôn thuộc vùng DTTS đã có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa, cao hơn gần 17 điểm phần trăm so với năm 2015.
Hầu hết các xã vùng DTTS đã có trạm y tế, chiếm 99,5%, tương đương với kết quả điều tra năm 2015. Hầu hết các trạm y tế xã vùng DTTS được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố; đạt tỷ lệ 99,6%, tăng 0,8 điểm phần trăm so với năm 2015. Tỷ lệ xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế cấp xã theo chuẩn quốc gia giai đoạn đến 2020[2] đạt 83,5%, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2015 (45,8%).
Tại các trạm y tế cấp xã vùng DTTS, hiện có hơn 33,4 nghìn lãnh đạo, nhân viên y tế đang làm việc. Phần lớn lãnh đạo, nhân viên tại các trạm y tế xã có trình độ y sỹ, y tá hoặc điều dưỡng viên, chiếm trên 50%. Có 83,5% thôn thuộc các xã vùng DTTS có nhân viên y tế thôn, bản.
Cả nước có gần 21,6 nghìn trường học và 26,5 nghìn điểm trường vùng DTTS, tương ứng tăng hơn 3,8 nghìn trường và giảm 2,3 nghìn điểm trường so với năm 2015. Tỷ lệ trường học kiên cố đã đạt 91,3% (tăng 14,2 điểm phần trăm so với năm 2015), trong khi đó tỷ lệ điểm trường được xây dựng kiên cố mới chỉ đạt 54,4%. Tổng số giáo viên đang giảng dạy tại các trường và điểm trường vùng DTTS là gần 525 nghìn người; trong đó, 134,9 nghìn giáo viên là người DTTS (chiếm 25,7%), 99,6 nghìn giáo viên là nữ DTTS (chiếm 19,0%).
Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của các hộ dân tộc vùng DTTS là 35,5%, giảm 1,2 điểm phần trăm so với năm 2015; cao gấp 3,5 lần tỷ lệ chung của toàn quốc (10,2%).
Theo kết quả điều tra, tại 5.468 xã thuộc vùng DTTS, có 7.712 người già cô đơn không nơi nương tựa[3]. Năm 2018, toàn quốc có 1,2 triệu hộ DTTS đang cư trú tại vùng DTTS được nhận hỗ trợ bằng tiền hoặc vật chất, chiếm 36,9% tổng số hộ DTTS đang cư trú tại các xã vùng DTTS. Có trên 37 nghìn người DTTS nghiện ma túy và trên 17 nghìn người DTTS nhiễm HIV/AIDS tại 5.468 xã thuộc vùng DTTS.
2. Dân số và các đặc trưng nhân khẩu học của đồng bào dân tộc thiểu số
Tính đến thời điểm ngày 01/4/2019, dân số của 53 DTTS là 14,1 triệu người, chiếm 14,7% tổng dân số cả nước. Sau 10 năm, từ năm 2009 đến năm 2019, quy mô dân số của 53 DTTS đã tăng gần 1,9 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009-2019 của 53 DTTS là 1,42%, cao hơn tỷ lệ tăng bình quân của dân tộc Kinh (1,09%) và tỷ lệ tăng bình quân của cả nước (1,14%).
Trong tổng số 14,1 triệu người DTTS, nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn nữ giới, tương ứng là 50,1% so với 49,9%. Tỷ số giới tính của 53 DTTS là 100,4 nam/100 nữ, cao hơn tỷ số giới tính của cả nước (99,1 nam/100 nữ) và tỷ số giới tính của dân tộc Kinh (98,8 nam/100 nữ).
Tính đến thời điểm ngày 01/4/2019, số hộ DTTS[4] là 3.680.943 hộ, chiếm 13,7% tổng số hộ của cả nước. Phần lớn các hộ DTTS sống ở khu vực nông thôn, chiếm 83,3%, tương đương với gần 3,1 triệu hộ.
Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của người DTTS là 22,7 tuổi, thấp hơn so với mức trung bình chung của toàn bộ dân số (25,2 tuổi) và tăng 1,7 tuổi so với năm 2015 (21 tuổi). Tỷ lệ tảo hôn của người DTTS năm 2018[5] là 21,9%; giảm 4,7 điểm phần trăm so với năm 2014, tức giảm trung bình hơn 1%/năm. Tỷ lệ người DTTS kết hôn cận huyết thống năm 2018[6] là 5,6‰, giảm 0,9 điểm phần nghìn so với năm 2014 (6,5‰).
Tổng tỷ suất sinh (TFR) của người DTTS là 2,35 con/phụ nữ, giảm 0,03 con/phụ nữ so với năm 2015 nhưng vẫn khá cao so với mức bình quân chung của cả nước là 2,09 con/phụ nữ và cao hơn so với mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ.
Tỷ số giới tính khi sinh của các DTTS là 110,2 bé trai/100 bé gái, thấp hơn so với mức chung của toàn quốc (111,5 bé trai/100 bé gái); tuy vậy, vẫn đang cao hơn so với mức cân bằng sinh học (104-106 bé trai/100 bé gái).
Tỷ suất chết thô (CDR) chung của 53 DTTS là 7,65‰, cao hơn so với mức chung của cả nước năm 2019 (6,3‰).
Tuổi thọ trung bình của 53 DTTS là 70,7 tuổi, thấp hơn mức chung của cả nước (73,6 tuổi); nam là 68,0 tuổi và nữ là 73,7 tuổi. Dân tộc Hoa có tuổi thọ trung bình cao nhất (74,4 tuổi), dân tộc La Hủ có tuổi thọ trung bình thấp nhất (59,4 tuổi).
Tỷ lệ đi học chung cấp tiểu học của người DTTS là 100,5%, cấp THCS là 85,8% và THPT là 50,7%. So với năm 2015, mức độ tiếp cận với giáo dục phổ thông của người DTTS đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là ở cấp THPT với tỷ lệ đi học chung ở cấp này tăng 8,9 điểm phần trăm.
Có 8,03 triệu người DTTS từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động; tỷ lệ người DTTS tham gia lực lượng lao động là 83,3%. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nam DTTS cao hơn nữ DTTS 7,8 điểm phần trăm, của khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị 12,9 điểm phần trăm.
Tỷ lệ lực lượng lao động là người DTTS được đào tạo chuyên môn kỹ thuật (viết gọn là CMKT) từ sơ cấp trở lên là 10,3%; thấp hơn 12,8 điểm phần trăm so với mức chung của cả nước (23,1%). Đây là hạn chế của lực lượng lao động là người DTTS trong việc tiếp cận thị trường lao động và nâng cao năng suất lao động tạo thu nhập.
Trong tổng số người có việc làm, lao động là người DTTS làm việc theo nhóm nghề “Lao động giản đơn” vẫn thu hút nhiều lao động DTTS nhất với tỷ lệ 68,6% và chủ yếu là lao động giản đơn trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản (92,2% lao động giản đơn làm việc trong khu vực này). Tuy nhiên, so với năm 2015, tỷ trọng lao động làm công việc giản đơn đã giảm 6,8 điểm phần trăm.
Số lao động “Tự làm” và “Lao động gia đình” chiếm khoảng ba phần tư tổng số lao động DTTS có việc làm; trong đó, “Lao động gia đình” không được trả công trả lương chiếm 38,8%. Người DTTS làm “Chủ cơ sở” chiếm tỷ trọng rất nhỏ (0,5%). Xem xét vị thế việc làm của các DTTS dưới 10.000 người cho thấy, đa số lao động có việc làm của các dân tộc này là “Lao động gia đình” không được trả lương, trả công và “Tự làm” - nhóm các công việc yếu thế, không ổn định và hầu hết không có bảo hiểm xã hội.
3. Điều kiện nhà ở, sinh hoạt và đời sống văn hóa tinh thần của hộ dân tộc thiểu số
Gần như toàn bộ các hộ DTTS đã có nhà ở (đạt 99,8%). Trong số các hộ DTTS có nhà ở, 95% hộ có nhà riêng, 5% hộ ở nhà thuê mượn (thuê mượn của nhà nước, tư nhân hoặc nhà của tập thể).
Phần lớn các hộ DTTS đều sống trong các ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố, chiếm tỷ trọng 79,2%, thấp hơn 13,9 điểm phần trăm so với mức bình quân chung của cả nước (93,1%). Cả nước vẫn còn 20,8% hộ DTTS đang sống trong các ngôi nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ[7]. Diện tích nhà ở bình quân đầu người của các hộ DTTS là 16,9m2/người, thấp hơn 6,3m2/người so với mức bình quân chung của cả nước (23,2m2/người).
Có 26,2% hộ DTTS đang ở trong ngôi nhà truyền thống của dân tộc mình, giảm 3,1 điểm phần trăm so với năm 2015 (29,3%); 96,7% hộ DTTS sử dụng điện lưới thắp sáng, tăng 2,8 điểm phần trăm so với năm 2015; hầu hết các hộ DTTS khu vực thành thị đã được tiếp cận với điện lưới để thắp sáng (đạt 99,7%), trong khi đó vẫn còn 3,7% số hộ dân DTTS khu vực nông thôn chưa được tiếp cận điện lưới; tỷ lệ hộ DTTS sử dụng hố xí hợp vệ sinh (hố xí tự hoại hoặc bán tự hoại) là 59,6%, tăng 31,7 điểm phần trăm so với năm 2015.
Ti vi đã trở thành một loại thiết bị sinh hoạt phổ biến của các hộ DTTS với 81,5% hộ DTTS sử dụng. Tỷ lệ hộ DTTS có sử dụng điện thoại cố định, di động, máy tính bảng là 92,5%, tăng 17,1 điểm phần trăm so với năm 2015. Tỷ lệ hộ DTTS sử dụng máy vi tính (máy bàn, laptop) là 10,3%, tăng 2,6 điểm phần trăm so với năm 2015. Tỷ lệ hộ được tiếp cận Internet của đồng bào vùng DTTS đã được cải thiện đáng kể, chiếm 61,3% tổng số hộ DTTS, tăng 54,8 điểm phần trăm so với năm 2015. Các thiết bị phục vụ sinh hoạt cơ bản khác cũng được phần lớn hộ DTTS sử dụng và tăng đáng kể so với năm 2015. Tăng cao nhất là tỷ lệ hộ sử dụng tủ lạnh, tăng 22,3 điểm phần trăm (năm 2015: 32,2%, năm 2019: 54,5%); tỷ lệ hộ sử dụng điều hòa mặc dù tăng 3,7 điểm phần trăm (năm 2015: 2,9%, năm 2019: 6,6%). Trên toàn quốc hiện vẫn còn 24,4% hộ DTTS đang nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm hoặc sát cạnh nhà đang ở.
Tỷ lệ hộ DTTS vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2019 là 19,7%. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp các hộ DTTS có nguồn lực phát triển kinh tế, nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống và tạo động lực để thoát nghèo.
[1] Điều tra DTTS lần thứ nhất được thực hiện vào năm 2015.
[2] Chuẩn quốc gia về y tế cấp xã giai đoạn đến 2020 được ban hành kèm theo Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 07/11/2014.
[3] Người già cô đơn không nơi nương tựa là những người từ 60 tuổi trở lên đang cư trú trong các hộ nghèo và không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng đang được hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng.
[4] Hộ DTTS được quy định là các hộ đáp ứng ít nhất 01 trong 03 điều kiện sau: chủ hộ là người DTTS; vợ hoặc chồng chủ hộ là người DTTS; hộ có tỷ lệ thành viên là người DTTS chiếm từ 50% trở lên.
[5] Để đảm bảo so sánh với tỷ lệ người DTTS tảo hôn năm 2014 (Điều tra 53 DTTS năm 2015), tỷ lệ người DTTS tảo hôn trong báo cáo này được tính cho những người kết hôn lần đầu trong năm 2018.
[6] Để đảm bảo so sánh với tỷ lệ người DTTS kết hôn cận huyết thống năm 2014 (Điều tra 53 DTTS năm 2015); tỷ lệ người DTTS kết hôn cận huyết thống trong báo cáo này được tính cho những người kết hôn lần đầu trong năm 2018.
[7] Phân loại chất lượng nhà ở được thực hiện qua tham chiếu tới thông tin về vật liệu chính của 03 bộ phận cấu thành nhà ở bao gồm: cột/trụ/tường chịu lực, mái và tường/bao che. Dựa trên cách phân loại trên, nhà ở hộ dân cư được chia thành hai loại: nhà kiên cố và bán kiên cố, nhà thiếu kiên cố và đơn sơ. Nhà kiên cố và bán kiên cố là nhà có từ hai kết cấu chính trở lên được làm bằng vật liệu bền chắc. Nhà thiếu kiên cố và đơn sơ là nhà chỉ có một trong ba kết cấu chính hoặc không có kết cấu chính nào được làm bằng vật liệu bền chắc.